Thứ Tư, 3 tháng 11, 2010

Những Con hổ đồng bằng và Quy luật của muôn đời

Mỗi khi biết năm sinh của mình, mọi người thường tấm tắc: Tuổi Giáp Dần giỏi lắm, thành danh lắm… Gần đây, đọc trên mạng thấy nhiều bài viết về “Con gái Tuổi Dần”, ấy là khi họ nói về những cô gái sinh năm 1974.

Nhìn chung, các ý kiến đó thường đề cao tuổi Giáp Dần, về tài năng, về sự thành đạt, về sự giàu có, về sự thăng tiến, vân vân và vân vân, kèm thêm một câu chốt, Tuổi Giáp Dần này cũng ghê gớm lắm!!!

Phải vậy không nhỉ?

Trước hết, về chính bản thân mình, tự thấy những điều to tát được gán cho tuổi Giáp Dần là không đúng cho lắm. Nhìn ngang, tuổi Giáp Dần cũng chẳng hẳn đã thành công hơn những tuổi khác, chẳng hẳn giàu có hơn những tuổi khác, thậm chí có khi còn kém hơn. Tuổi Giáp Dần thật bình thường! Mà bình thường là tốt chứ sao! Đôi khi, với nhiều người, muốn mọi cái trở thành bình thường, khó lắm.

Gần đây, gặp được một anh bạn, cũng tuổi Giáp Dần như bọn mình, nhưng đến từ một phương trời xa. Thật thú vị! Sau những trải nghiệm lên thác, xuống ghềnh, trên đỉnh phù hoa, dưới bờ vực hố tử thần, sau những mơ ước cao xa và khát vọng cháy bỏng, anh bạn đã kết chắc nịch: chúng ta là những Con hổ đồng bằng. Ừ nhỉ, một cách nhìn nhận khá hài hước và cũng rất có lý. Hổ đồng bằng thì sao mà săn được lợn nòi, hươu nai, chồn, cáo… Hổ đồng bằng cùng lắm chỉ bắt được lợn nhà, gà nuôi và vịt thả đồng… Hổ đồng bằng thì có khi thả cho nó con nai, nó cũng không biết đuổi, mà chỉ biết ngơ ngác ngắm nhìn… Thôi thì, nó ăn lợn nhà, gà nuôi cũng quý, miễn là đừng gặm cỏ là được rồi… Điều quan trọng là, đã không được làm Chúa Sơn Lâm trên rừng sâu và đại ngàn hùng vĩ, thì cũng cố gắng để đừng làm một con hổ giấy, hoặc hổ trong Công viên Thủ Lệ hoặc Thảo Cần Viên. Mà lăn tăn làm gì, giờ làm gì còn rừng mà đòi có hổ rừng. Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã từng tiên đoán: “Rừng đã cháy, và rừng cháy khét. Rừng đã cháy, và rừng bị đốn hết…”. Có bị nhầm chữ nào không nhỉ?

Có một điều anh bạn không biết. Cũng là họ nhà mèo, nhưng sư tử thì sống theo bầy đàn, có phân biệt ngôi thứ và có tổ chức khá chặt chẽ rõ ràng, còn loài báo thì lại sống theo những cặp đôi, ngược lại, loài hổ thường sống đơn độc một mình. Ngoài tự nhiên, loài hổ sống ghép đàn rất khó. Có lẽ một trong những lý do của tập tính này là loài hổ thường rất khó chọn ra con đầu đàn, hoặc cũng có thể là con nào cũng muốn trở thành đầu đàn. Khi bất phân tranh và bất phục, những con hổ đực dũng mãnh thường quyết định rời nhau. Bởi vậy, loài hổ dũng mãnh, đáng sợ, nhưng tỷ lệ săn mồi thành công khá kém nếu so với sư tử vì thiếu vắng sự hợp tác, phối hợp. Và một điều nữa, loài hổ sống đơn độc nên cũng bị săn bắt khá dễ dàng.

Nhưng thôi, đó là lựa chọn của loài hổ trên thực tế.

Có một câu chuyện khác.     

Ngày mới vào Đại học, một người bạn Hà Nội cho mượn cuốn tiểu thuyết “Quy luật của muôn đời” của nhà văn Xô-viết Nô-đa Đum-bát-de (Nodar Dumbadze). Cuốn sách được viết dựa trên sự chiêm nghiệm về những gì xảy ra đối với chính cuộc đời nhà văn. Bắt đầu từ khi nhà văn lâm trọng bệnh và nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện, tiếp xúc với các bệnh nhân khác, lắng nghe và biết được nhiều hơn về cảnh đời, cũng như cuộc đời của bao con người đến từ nhiều địa phương, nhiều giới, nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhà văn bắt đầu chiêm nghiệm về cuộc đời mình. Ký ức cuộc đời cuồn cuộn chảy về, một cuộc đời trai tráng đầu đội trời, chân đạp đất, tung hoành ngang dọc, để rồi trong cái tĩnh tại của hoàn cảnh không mong muốn ấy, nhà văn đã ngộ ra nhiều điều quý báu, mà trong đó, nhà văn đã khám phá ra một quy luật của muôn đời.

Quy luật của muôn đời” – đó là linh hồn của mỗi con người thì nặng gấp trăm lần thể xác, bởi vậy chẳng ai có thể tự mình mang nó trên suốt đường đời. Vì lẽ đó, con người cần xích lại gần nhau, cộng nhau lại để cùng nhau mang vác linh hồn của mình. Tôi sẽ cùng anh gánh vác linh hồn của anh, anh lại cùng tôi gánh vác linh hồn của tôi, và chúng ta thì cùng nhau gánh vác linh hồn người khác… Có như thế, thì chúng ta mới có thể cùng nhau nhẹ bước hơn trên con đường đời đầy chông gai và bão tố.

Nếu có khả năng hiểu được “quy luật của muôn đời”, loài hổ sẽ sống thành bầy đàn với kết cấu chặt chẽ và sẽ có sức mạnh vô song.

Với “quy luật của muôn đời”, “những con hổ vùng đồng bằng Hải Hậu” sẽ có thể trở thành một bầy hổ mạnh mẽ, và biết đâu, sẽ có sức mạnh của một bầy sư tử Phi châu.

Đôi dòng dông dài dành tặng cho những người bạn của tôi 12AK30 Hải Hậu A.   

M12AK30HHA


Viết thêm vào ngày 26-11, một buổi chiều cuối tuần:

Bài viết này mình dành tặng đầu tiên cho các bạn 12A K30, rồi sẽ có thể vác đi làm quà cho "những con hổ đồng bằng khác", nên đành phải xưng danh để sau này các bác không nghi cho ông Nghĩa trộm văn của ông M12AK30HHA. 

Trung à, khi đặt bút danh phía dưới bài viết là M12AK30HHA, tôi chọn chữ M với dụng ý rằng M là Member. Ở đời, đôi khi trong cái chung có cái riêng và trong cái riêng có cái chung. Khi chỉ cần biết rằng mình là một Member của một Tập thể, nghĩa là mong rằng mọi cá nhân giảm cái tôi đi, để trở thành một Thành viên của Tập thể ấy. Nó mang ý nghĩa giống như khi ta mặc bộ đồng phục. Dù đẹp, dù xấu, dù sáng, dù tối, ai cũng giống ai (hoặc ít nhất là gần như giống nhau), chứ không phải là người xanh, kẻ đỏ, người tím, kẻ vàng.

Hôm rồi đọc được bài viết về loài hổ. Ông Putin (Thủ tướng Nga) chủ trì tại St. Peterburg một Hội nghị quốc tế ở tầm nguyên thủ để bàn về các biện pháp chung tay bảo vệ loài hổ.

Ở một tầm vóc khác, có một bầy hổ đang tự họp nhau lại để bàn cách tự bảo vệ và phát triển đàn của mình.

Đinh Trọng Nghĩa 

9 nhận xét:

Ngôi nhà chung 12A nói...

Phong: choáng! tác phẩm hay như vậy mà bác chẳng chịu xứng danh cho anh em thơm lây tí. Nếu các bác post mà cứ ẩn danh thế này thì chắc phải xin ý kiến của ban LL thôi!

Ngôi nhà chung 12A nói...

Rất cảm ơn bạn, nhưng lũ hổ này quả là lắm chuyện. Chúc bạn lên đường vui vẻ và vẫn nhớ về ngày hội lớp nhé, 13 tháng 11 năm 2010

Ngôi nhà chung 12A nói...

Ng.Nhung: "Lên đường vui vẻ và vẫn nhớ về ngày hội lớp", ai mà k về họp lớp đc thế nhỉ? mỗi ngày lại có thêm 1 tài năng mới tỏa sáng. Xưng danh đi bác "HỔ đồng bằng" ơi?

Ngôi nhà chung 12A nói...

Cố lên các Cô-Chú Hổ đồng bằng ơi! giờ sơn lâm k còn thì ta là số 1 đấy!

Ngôi nhà chung 12A nói...

không hiểu bài nay của ai?
Lớp 12AK30 hình như có lẫn cả trâu và mèo đấy.
diamondhnvn

Ngôi nhà chung 12A nói...

Khu: Nghe mùi văn có vẻ của bác Nghĩa quá (mạo muội đoán nhé). Cám ơn bài viết hay nhé.

Ngôi nhà chung 12A nói...

Nguyên : Đúng là lũ Hổ (dù là đồng bằng) đáng đễ lũ Trâu chúng tôi khâm phục. Lũ Trâu chúng tôi lại phải gặm cỏ, mà trâu đồng bằng lại phải cày bừa, còn HỔ đồng bằng thì đa số ở Thành Phố, mà toàn TP lớn (dù là ở công viên).
Còn lớp mình có mèo hay không nhỉ? mà mèo với HỔ cũng cùng hộ nhà Mèo cả (theo khoa học. Nhưng theo tôi mèo lại sướng, nhất là mèo đồng bằng hay mèo TP vì chuột nhiều.

t.thienke nói...

Hay!Bài viêt có chiêu sâu, đặc biệt đề cao tính đoàn kết.Đọc xong,tự dưng nhớ cái câu gì đó của Acsimet : "Hãy cho tôi một cánh rừng, tôi sẽ không là... Hổ đồng bằng nữa"

Ngôi nhà chung 12A nói...

Bài quá hay, đề nghị tác giả viết thêm bài về loài mèo chúng em, lớp mình cũng khá đông đấy!
Hà.

Đăng nhận xét

lop12ahaihauk30.blogspot.com