Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Tết Sếp

Quá nửa đời người, mình vẫn quanh quẩn cái chức TP quèn ở cơ quan mà theo đánh giá đầy thèm muốn của nhiều người là nơi “nhìn đâu cũng thấy lộc”.

Nhưng ở đây xa quá, mắt ông giời không soi tới nên hót mãi cũng chỉ được tí lộc rơi lộc vãi. Chỉ đủ tiền đi điếu đóm cho mấy sếp lớn, đợt nào may lắm thì dư dả chút đỉnh gọi là, về nhà vênh váo gọi con “ hôm nay ba chở hai anh em đi Thảo Cầm Viên, tha hồ mà xem voi, xem khỉ”. Hãnh diện khiếp!


Nhưng dù không nói ra, mình biết bố mẹ buồn. Buồn vì con cái mình chưa nhà cao cửa rộng, công thành danh toại để làm mát mặt bố mẹ như con cái người ta. Đời cha chưa được mà đời con còn mịt mù hơn!

Thanh niên sức dài vai rộng, không thể không quặn lòng suy nghĩ.

Thế là quyết tâm tìm hiểu nguyên do sao đường công danh nó cứ ngoảnh mặt với mình.

Làm hẳn một danh sách dài xem mình còn hổng chỗ nào:

Tài ư? Chưa hẳn, vì có nhiều thằng ngu hơn mình mà ngồi chễm chệ trên cao (hôm nọ tò mò ngó vào lý lịch trích ngang của một đ/c lãnh đạo mới biết bác ấy mới tốt nghiệp Trung Cấp Tại chức!)
           
     Đức chăng? Chả phải, biết bao người dối trên, gạt dưới, lừa thầy phản bạn… vẫn “chiến sỹ thi đua”, lên chức “đều như vắt chanh”
-       
      Mưu mô, thủ đoạn à? Cũng chưa chắc, mình đã thuộc nằm lòng các môn phái võ “cổ truyền dân tộc” như: “ném đá giấu tay”, “ chọc gậy bánh xe”, “qua cầu rút ván”. “ăn cây nào rào cây đó”…vv…vv

Trắng mấy mấy đêm, người gầy rộc đi, rụng mất mấy cọng tóc …sâu mà chưa tìm ra vấn đề.

Thấy mình hốc hác tiều tụy quá, chị văn thư hỏi: chú mày có việc gì mà trông tội nghiệp quá vậy?

Chị này xưa là người nhà của 1 sếp (đã về hưu cả chục năm trước), chả chồng con gì. Lấy cái sự phục vụ công ty làm niềm vui, người thì xấu gái nhưng được cái rất quý mình.

Chị làm ở đây lâu, hiểu hết ngóc ngách công ty. Đợi tới cuối giờ, kéo chị ấy ra góc văn phòng kể lể sự tình.

Nghe xong chị xuýt 1 tiếng rõ dài rồi bảo “chú rõ ngây thơ, phải biết tới nhà Sếp mà trình bày, hiểu chửa!”. Thế này nhé, sắp Tết rồi, chẳng có cơ hội nào tốt hơn để tới nhà Sếp, cứ thế nhé.

Nghe xong tỉnh cả người.

Tối đó về nhà lại loay hoay với câu hỏi lớn: Tết Sếp cái gì đây nhỉ?

Mang câu hỏi này đi hỏi một ông anh mà mình ngưỡng mộ từ lâu về con đường thăng quan tiến chức.

Anh cười: tớ cũng đang bí. Giờ cái vụ quà Tết cũng phải sáng tạo, nói như giáo sư Michael Porter tận bên Harvard là “phải khác biệt” mới ăn điểm cậu ạ. Không thì lại tiền mất, tật mang!

Chao ôi cái sự quà Tết này nó phức tạp thật. Lại làm một danh sách các thứ mà người đời đã Tết Sếp của họ:

-       Ngày xưa thì mua quà có giá trị tặng Sếp: rượu Tây, Sâm Hàn Quốc, Yến sào…ư; xưa rồi Diễm!

-       Hết tặng quà cho Sếp, người ta quay ra tặng Vợ Sếp: vàng SJC, Obama, mỹ phẩm cao cấp Nhật bản, nước hoa Pháp (vợ Sếp thường ăn nhiều thịt cá sấu nên rất cần mấy thứ này!). Nhưng chỉ được vài năm bài  lại bão hòa.

-       Gần đây, người ta quay ra tặng quà cho Con Sếp: nào là búp bê điện tử (biết khóc cười) cho bé gái, nào là Games 4D cho quý tử (nghe nói games này cho cảm giác như đang chiến thực sự mà Nitendo đang thử nghiệm, không hiểu sao đã về tới VN)…

Lấy lý do cuối năm nhiều việc, phải xin ý kiến chỉ đạo, mình cố tình tới nhà lúc Sếp đi tiếp khách chưa về để khảo sát xem nhà Sếp thiếu gì, vợ sếp xài mỹ phẩm gì, đồ gì con sếp chưa có…nhưng tuyệt không phát hiện ra xem Sếp cần gì. Trên giời, dưới biển đủ cả.

Cơ khổ! (Câu này hồi bao cấp hay nghe mẹ than, giờ mới thấm thía) 
    
Vắt tay lên trán, rà soát lại hệ thống lỗ trên người Sếp thấy chẳng còn chỗ nào cho mình (để làm Sếp vui) nữa! Đêm về nghĩ dại, chắc đâm đầu vào gầm xe tải còn sướng hơn!

Nhưng quyết tâm không bỏ cuộc. Sáng chủ nhật vừa rồi, quyết dậy sớm tới trực ngoài cổng nhà Sếp từ 4 giờ sáng. Y như ngày xưa Trương Lương đi thỉnh bộ sách “Thái Công Binh Pháp” rồi cuối cùng giúp Lưu Bang dựng nghiệp nhà Hán vậy!

May mắn cách nhà sếp mấy căn có quán nước mở cửa cả đêm. Mình vào gọi ly café đen cho tỉnh táo, ngồi chờ!

Tới 5g49, cổng nhà sếp rục rịch mở. Sếp bế chó đi dạo, vừa đi vừa vuốt ve nghe chừng tâm đắc lắm. Mình chố mắt một lúc rồi chợt bừng tỉnh! Sếp mình là người sống tình cảm nên cưng chó nhất!

Đây rồi,nó đây rồi! Phen này chức phó quyết về tay ông. Mình lao ra khỏi quán café mà quên trả tiền. Phát hiện ra món quà Tết mà cứ như Acsimet phát hiện ra lực đẩy vậy!

Về tới nhà, thấy mình vui, vợ cà kê tới gần hỏi “anh ơi mình mua quà gì Tết Sếp được?”

Mình nhẹ nhàng “Năm nay mình đi Tết…Chó Sếp, em ạ”    

Đặng Tân Phong
SGN 21/01/2011

P/S: Bài này thai nghén từ lâu mà chưa có đoạn kết, vô tình để trên bàn làm việc, cậu nhân viên mới vào của mình đọc lén. Xem xong cậu ấy hỏi: anh ơi, nhà anh không nuôi chó vậy em Tết anh gì được. Bắt trước Sếp, mình lên giọng: chú cần sáng tạo hơn nữa. Anh không nuôi chó nhưng lại thích chơi chim, các loại. Chú chịu khó tìm cách Tết…Chim Sếp chú xem sao!  

21 nhận xét:

Ngôi nhà chung 12A nói...

Tham thuy. Chieu moi nhan xet nhe. Khu

Ngôi nhà chung 12A nói...

Phen này chắc chắn ông bạn mình lên Phó rồi.
Tuy nhiên theo ông bạn nói thì quà phải sáng tao, phải đọc đáo nhưng theo mình còn phải bất ngờ nữa! Nhân viên mới của ông bạn đọc được, thông tin tung lên mạng lộ ra ngoài thì tết này có khi Sếp ông nhận quà toàn Chó! Không cẩn thận Sếp ông bạn biết sáng kiến tết chó sếp là do ông bạn khởi xướng thì đề bạt ngay ông bạn chức "Phó Phòng" đấy!

Ngôi nhà chung 12A nói...

Xin bổ sung nhận xét trên là của Nguyên vũ

Ngôi nhà chung 12A nói...

Chịu Phong thật, chủ đề nào vào tay ông cũng hấp dẫn. Chức TP là gì thế, tôi suy luận mãi không ra.
Mọi người đi ăn tiệc hết rồi chỉ còn bọn mình trực blog, không biết có được bồi dưỡng trực không nhỉ?
Hà.

Ngôi nhà chung 12A nói...

DQT:
Phong ơi là Phong, haha.

Đọc bai của ông thấy thú vị thật, ông đã nói được cảm nhận mà nhiều người khác cũng đã và đang trải qua nhưng không nói được.

Đó là cảm nhận thôi, rồi sau sẽ rõ.

Hình như ông vừa đi Malaysia và Singapore về: Nếu là lần đầu tiên đến M-S sẽ có cảm giác thế nào: Ông từ S sang M sẽ thấy rất bình thường và khá dễ chịu, tuy vậy nếu đến M rồi mới đến S, có thể sẽ khó chịu lắm đấy. Cũng chẳng sao, vì đó chỉ là chuyến du lịch.

Nhưng ở đây, Tết sếp a?....

Khi nào có kq, đt cho Trung ngay đấy.

Ngôi nhà chung 12A nói...

DQT:
À quên mất, tranh thủ về cơ quan làm việc để... còn lấy cái mà đóng quỹ lớp chứ, chưa có dịp được ngồi trực blog như P và Hà.

Ngôi nhà chung 12A nói...

Vẫn là những bài viết góc cạnh của con người có một chút góc cạnh, đôi khi nhìn đời bằng 1/2 con mắt.
Bài viết theo phương pháp quy nạp, dẫn dắt vấn đề để rồi chốt lại(kiểu như chốt hạ trong đánh phỏm): Năm nay mình đi Tết...Chó Sếp,em ạ.
Câu chốt này thể hiện được 3 dụng ý:
-Tết cho con chó của Sếp
-Tết con chó cho Sếp
-Tết chó Sếp (chẳng có chó gì cho Sếp)
3 dụng ý này đã đạt được 2 mục đích:
1.Đối với Sếp: Nếu hiểu 2 dụng ý trên: Thằng này quí chó và hiểu mình, chắc cũng trung thành như...chó
Nếu hiểu dụng ý 3: Thằng này được, có bản lĩnh, trong khi nhiều thằng sợ Sếp thì nó lại ko sợ. Mà mình cũng có Sếp,nếu chúng nó ko đưa quà thì mình cũng có ...chó gì tặng Sếp trên mình.
Được, sẽ cân nhắc bổ nhiệm nó
2. Đối với nhân viên: Thằng này hay, dám nói cái điều mà mình vẫn khổ từ nhiều năm nay (Ko đi Tết Sếp thì sang năm có mà thân ...chó, còn nếu đi Tết thì ra năm lấy...chó gì mà ăn.
Được, sẽ bỏ phiếu cho nó.
Túm lại, trong 3 bài học:
-Linh tinh học
-Ngu học
-Sinh sự học
"Hắn" đã học đến bài cuối cùng. Nghe chừng cũng đắc đạo rồi. Chỉ cần trả lời được một câu hỏi nữa thôi là có thể "xuống núi hành tẩu"(Câu hỏi này sẽ nói sau)
Thêm một Sinh sự.

Phong Châu nói...

@ Hà: TP = Trưởng phòng!

ĐNN nói...

Nghe giọng thì rõ là đêk sợ sếp tý nào, hehe. Đó mới là sự khác biệt lớn nhất.

Tài thực sự là phải làm cho sếp sợ mình, bắt sếp làm con tin luôn, buông mình ra là sếp đứt. Hehe

Đấy mới là tài xịn, chứ tài về bằng cấp thì lung tung lắm.

Và như thế thì tết này sếp tết chim ông chứ ông không phải tết chó sếp.

NhungHPham nói...

@ 23:04: Không nghĩ sâu xa, thật thà định cho Phong 1 vài ý kiến về tết Chó Sếp như thế nào thì bị tắc ở đây rồi bởi vì lý luận đó của 23:04, you quả thật thông minh, hí hỏm và....sáng tạo.
Dù gì Phong này: All dogs like treat và chỉ có treat mới train được nó ( chó) thôi!

Ngôi nhà chung 12A nói...

@Nhung Phạm: Biết nhau hơn 20 năm rồi, nhưng lại chưa dám bắt chuyện vì sợ người ta nói:"thấy Việt Kiều bắt quàng làm họ ". Nay ở bển có nhời thì mới dám.
Theo góc độ các phụ huynh thì gọi Nhung bằng em, theo góc độ bạn học thì kêu bằng bạn, theo góc độ xã hội thì lại phải kêu bằng chị ( vì giỏi giang hơn mình). Khó thật, đành phải kêu chị xưng anh gọi bạn thôi.
Nói đùa thế, chứ ngày xưa thì mình cũng đã theo mấy anh ra nhà chơi (Can cái tội bé nhưng lại đua đòi). Về sau (khi ko còn bé nữa)có lần ra Hải Lộc đi qua khu ấy cứ mang máng nhớ là có em bạn con cô làm cùng với mẹ mình học Tài chính nhưng lại ko nhớ rõ tên. Gần đây, qua Blog mới nhớ chính xác.
Ở bên đó,có khi nào nghe ca sĩ Phi Nhung hát bài "Tiếng hát chim đa đa" chưa? Thấy thế nào, có đúng ko?
LQS.

Unknown nói...

LTMP
Một góc nhìn rất ĐẶNG TÂN PHONG về việc TẾT SẾP đấy !
Phượng có góc nhìn về việc này hơi khác Phong, thế này nhé :
Phượng có đọc và tìm hiểu về phong tục TẾT nguyên đán ở Việt Nam, ghi lại để các bạn cùng tìm hiểu thêm :
“…Tống cựu nghênh tân: Tục lệ này đơn giản và không cần nghi thức gì. Đó chỉ là thời điểm mọi người quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi. Các thành viên trong gia đình sắm sửa quần áo mới, mua đồ trang trí, lễ vật trên bàn thờ… hoặc cùng hàng xóm dọn dẹp đường phố, đình chùa.
Lễ rước vong linh ông bà :Chiều 30 tháng Chạp, mỗi gia đình sẽ chuẩn bị các thức ăn và trái cây được xếp thành mâm cỗ để dâng lên bàn thờ. Đây là dịp cả gia đình quây quần tưởng nhớ đến các vong linh ông, bà, tổ tiên… và cùng nhau kể chuyện năm cũ, ước nguyện năm mới.
Xông nhà (hay "xông đất") :Người Việt ta có tục xông nhà rất thú vị. Đầu năm mới mà người đầu tiên bước vào nhà mình sẽ đem đến vận hên, xui cho gia đình suốt cả năm đó. Vì thế, những ai “nặng vía” thì phải chú ý vì nếu lỡ đến nhà ai sớm, mà trong năm đó người ta gặp chuyện gì không may sẽ "đổ" tại mình “vía không tốt”. Và trong những ngày giáp Tết, gia chủ sẽ tìm người nào “nhẹ vía” và hợp tuổi với chủ nhà để nhờ xông đất. Cũng có khi không tìm được ai, chủ nhà sẽ tự mình xông nhà cho chính họ.
Hái lộc :Sau những giờ phút đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ cùng nhau đi hái lộc. Hái lộc thường diễn ra tại các đình, chùa. Khi đến đây, mỗi người sẽ hái một cành cây non và mang về nhà như một sự “rước lộc”. Bởi ai cũng hy vọng năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc.
Chúc thọ, chúc Tết : Sáng sớm mùng Một Tết là lúc con cháu trong nhà tỏ lòng hiếu thảo qua việc chúc thọ ông bà, cha mẹ. Người Việt quan niệm rằng cứ mỗi độ Xuân về là mọi người đều thêm một tuổi, không kể sinh vào ngày nào, tháng nào. Chính vì vậy mà lời chúc luôn được đón nhận nhiều nhất vẫn là “Sống lâu trăm tuổi”, trường thọ.Chúc thọ của người Việt trong ngày đầu năm mới thể hiện nét đẹp văn hóa ứng xử. Đó là dịp để mỗi người con, người cháu bày tỏ tình cảm, lòng hiếu thảo, kính yêu đến ông bà, cha mẹ và những người xung quanh.
Trong những ngày Tết, làng xóm, bạn bè nô nức đến thăm nhau, chúc nhau sức khỏe, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng, phát tài tài phát lộc… Đây cũng là dịp gắn kết mọi người với nhau, những cái bắt tay dường như đã xóa hết sự hiểu lầm, hờn giận của năm cũ và mời nhau ly rượu nồng ấm để hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới.

Unknown nói...

(tiếp nhận xét trên)
Lì xì :"Lì xì" nguyên là chữ "lợi thị" (tiền bạc, lợi lộc) trong Hán tự. Ông bà cha mẹ sẽ chuẩn bị một ít tiền cho vào phong bao màu đỏ trơn hoặc có hoa văn vàng trông rất bắt mắt để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích và dành những lời chúc hay nhất đến bọn trẻ như hay ăn chóng lớn, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn…
Quà Tết, lễ Tết : Đi chúc Tết kèm theo những món quà, giỏ quà là điều vô cùng quý, đặc biệt là những ngày trước Tết. Bởi dù to hay nhỏ món quà ấy đều thể hiện mối ân tình, sự biết ơn và tôn kính.
Các cụ ngày xưa đã có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, vì vậy chúng ta không nên lạm dụng quà Tết, lễ Tết để thể hiện “cho được” tình cảm của mình với người thân, bạn bè, làng xóm… Tình cảm phải thực từ tâm, những lời chúc ý nghĩa, ly rượu thơm nồng chan chứa tình cảm, cái bắt tay hay vòng tay siết chặt… tất cả đều thể hiện nét đẹp văn hóa trong phong tục ngày Tết cổ truyền dân tộc …”

Theo quan điểm của mình về việc TẾT SẾP nói riêng hay CHÚC TẾT nhau nói chung là một nét đẹp rất VIỆT NAM, việc TẾT CÁI GÌ hay NHẬN CÁI GÌ không quan trọng. Trong việc TẾT này THÁI ĐỘ CHO và THÁI ĐỘ NHẬN cũng rất quan trọng, và việc CHÚC TẾT nhau theo quan điểm của tôi là sự CHIA SẺ hay rộng hơn đó là SỰ TRI ÂN.

Người Việt Nam mình vẫn có Phong tục muôn đời nay “Một trăm cái LÝ không bằng một tí cái TÌNH” – Vì vậy tôi cho rằng, nếu không được làm việc cùng SẾP (dù ở đâu, môi trường nào lớn hay nhỏ) thì ta không có cơ hội khẳng định và phát huy cái TÔI của mình. SẾP cần TÔI và TÔI cần SẾP (quan hệ cộng sinh).

Vài dòng tản mản về cái sự TẾT - chia sẻ cùng các bạn!

LTMP

NT nói...

Bao nhiêu năm mới có người dám tặng Chó Sếp. Ngày xưa khi vua Tàu rất thích ăn óc khỉ nên bắt các nước cống nạp 100 con khỉ. Nước An Nam ta tìm mãi chỉ được 99 con thế là Mạc Đĩnh Chi cho vào 1 con chó. Khi vua Tàu hỏi khỉ An Nam ăn gì? Mạc Đĩnh Chi trả lời ăn chuối. Vua cho ném chuối vào thì 99 khỉ An Nam vì rất đói sau chặng đường dài nên vồ nhau ăn ngấu nghiến. Chỉ có 1 chú chó kia thì không ăn. Vua Tàu hỏi: Tại sao khỉ kia không ăn? MĐC nói đó là SẾP. Vua Tàu hỏi: Thế SÊP ăn gì? MĐC nói: SẾP chó ăn c**. Câu chuyện sếp chó ra đời từ đó…và đến tận bây giờ mới có người dám làm việc này lần 2.

Công ty mình Xuân đến thì Sếp lại đến Tết nhân viên vì họ quan niệm nhân viên tạo việc làm cho Sếp. Hóa ra cố gắng cả năm để đến Tết được làm…

Chúc vui!
NT

Phong Châu nói...

Cảm ơn NT, giờ mới biết ngày xưa cụ MĐC đã khởi xướng vụ này. Tuyệt nhiên tớ không có ý định bắt chước. Âu cũng là hoàn cảnh xô đẩy thôi!

DXKhu nói...

Hình như cả hai ông đều có sự nhầm lẫn; ở đây ta phân biệt "Chó sếp" (con chó của sếp) và "Sếp chó".

Ngày nay nhờ Trưởng BLL tư vấn xem tết sếp (tớ) cái gì mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Bây giờ hỏi ông Phong vậy.

NhungHPham nói...

@ LQS: Chào mãi mà chẳng thấy LQS ra chào lại cả. Lại là bậc dưới nên phải kiên nhẫn chờ đợi. Nghe phụ huynh nói thực tế cháu em này phải gọi YOU bằng chú.
Ngày xưa có nghe họ nói You hay lang thang ở Hải Lộc ( nhiều xã lân cận nữa) và chẳng hiểu cuối cùng You cắm ở chỗ nào vậy! (Vợ của chú anh bạn là người ở đâu đó?).
Còn về cái bài hát đó. Cháu em này chỉ nghe có đọan đầu của bài hát và thấy có vẻ chút giống chút không với cái h/c của mình. Cháu em vẫn ngậm ngùi vì Không được nhìn thấy " con chim đa đa nó đậu cành đa" và Không được nghe " con chim đa đa hát lời nỉ non", nên cháu em Không "phải lấy chồng gần mà phải lấy chồng xa".
Anyway, con của cháu em nói " Hi" tới ông bác của nó đấy. Nó 13 tuổi và là con trai, tên Desmond Tài.

Ngôi nhà chung 12A nói...

@Nhung Phạm: Đúng là ngày xưa có lang thang ở xã Hải Lộc ( và nhiều xã lân cận) nhưng cũng chỉ là ...lang thang. Sau này đi một mạch và dừng chân ở Nghệ An.
Cho bác gửi lời hỏi thăm tới cháu trai Desmond Tai và anh "con dê cụ" ( Nhớ câu chuyện anh rể Tây khi ra mắt nhà bố vợ).
Có Blog sẽ bớt cảm giác nhớ quê. Chịu khó comment hoặc viết bài nhé.
LQS.

t.thienke nói...

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị: Đừng biếu quà Tết ai, đừng để ai biếu mình.

Phát biểu trước lãnh đạo quận, huyện, xã phường Hà Nội, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhắc nhở quán triệt quy định không tặng quà cấp trên nhân dịp Tết.(http://vietbao.vn/Xa-hoi/Bi-thu-Thanh-uy-Ha-Noi-Khong-bieu-ai-va-dung-de-ai-bieu-qua-Tet/1735191121/157/)

Phong Châu nói...

Bí quyết giúp VN thắng Mỹ: nói một đường, làm một nẻo!

Thế hệ lãnh đạo ngày nay phát huy rất tốt truyền thống cha ông!

t.thienke nói...

Đấy, ông P lại làm cho tôi nhớ một câu của Ông NVT (nếu tôi không nhầm): Đừng nghe những gì "họ" nói, hãy nhìn kỹ những gì "họ" làm.

Đăng nhận xét

lop12ahaihauk30.blogspot.com