Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

NGẪM CÁI SỰ ĐỜI

NGẪM CÁI SỰ ĐỜI

        Cả năm tất bật để rồi cuối năm lại …tất bật. Nghĩ ra thấy mình giống như chiếc lá trong dòng cuốn của cuộc đời. Một con người, một số phận như biết bao con người và số phận khác…
       Giờ đây khi mà cái khoảng khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới sắp đến, giật mình nhìn lại mình, một thân phận nhỏ bé đang tồn tại . Khó thật! Để tồn tại thôi cũng khó. Buông tiếng thở dài mà ngẫm cái sự đời.
Muôn nẻo đường khổ
       Chuyện khổ là chuyện thường ngày của phố huyện, nhất là những ngày cuối năm, thời gian để người ta ôn nghèo kể khổ. Kể cũng lạ, thông thường ở đời có sướng thì có khổ. Thế mà có ai kêu: Giời ơi tôi sướng quá đâu ( hay là người ta kêu nhỏ quá mình không nghe thấy), chỉ nghe thấy: Giời ơi tôi khổ quá
Khổ có dăm bảy đường khổ
Khổ vì nghèo thì đã đành rồi nhưng  giàu cũng khổ ( người giàu cũng khóc)
Thứ dân  khổ là lẽ đương nhiên, nhưng bậc đế vương cũng chẳng sung sướng gì. Khối  bậc đế vương cũng khổ vì lắm cung tần mỹ nữ, cũng khổ vì ko biết ăn món gì cho ngon, đành ăn “mầm đá” , ko biết mặc gì cho đẹp nên cuối cùng cởi truồng để làm trò cười cho thiên hạ ( Bộ quần áo của Hoàng đế)
Còn biết bao thân phận giống mình chắc chắn là khổ rồi, cái khổ nó vận vào thân lúc nào ko hay. Cả đời  cắm đầu cắm cổ  làm nhưng nào có đủ ăn,  chạy ngược chạy xuôi , xoay đủ nghề mà vẫn chưa yên thân. Chỉ mấy miệng ăn cũng đã toát mồ hôi. Ra ngoài ăn mặc bảnh chọe, nhưng lại chẳng có đồng xu dính túi. Lỡ có sĩ diện mời em nào vào nhà hàng thì  trong người như có một lò sưởi (nhiệt độ tăng lên từ lúc em nhận lời cho đến lúc thanh toán. Khổ thế đấy!). Về nhà mà vợ có hỏi tiền để đóng học cho con, tiền đi đám cưới …thì quay mặt chép miệng (đâu dám nhìn): chuyện…nhỏ. Mà chuyện nhỏ là vợ lo, dứt khoát như vậy.Mình đàn ông thì phải lo chuyện lớn. Còn chuyện lớn là chuyện gì thì… chúa mới biết, nhưng chắc chắn ko phải là chuyện nhỏ. Thấy cũng khổ
Biết người ta ăn sung mặc sướng, đi chỗ nọ chỗ kia lại phải phấn đấu chạy theo cho bằng chị bằng em. Rõ khổ
Thấy người ta làm ăn phất lên như diều,thế là cũng đâm đầu làm theo. Lãi chẳng thấy chỉ thấy vốn liếng ra đi …đầu ko ngoảnh lại.Khổ chưa
Thấy người ta chơi chứng khoán trúng, mình lớn xớn chơi theo. Rồi tiền lại mất hút như con mẹ hàng lươn. Đến khổ
Người ta mua đất có lời, biết tin cũng mua. Nhưng…đất đóng băng. Lại khổ
Mà xét cho cùng thì kiếm nhiều tiền để làm gì? Có ai chết mang theo đâu. Sinh ra từ cái lỗ, sống phục vụ cái lỗ, chết thì lại xuống lỗ.Chỉ vì cái “lỗ” thôi nhưng sao cứ phải bon chen ở đời để rồi…khổ.
Tóm lại: Bể khổ mênh mông, quay đầu là bờ.
Biết nhiều…khổ nhiều. Vì thế: biết ít thôi

Vô vàn nỗi buồn
    Có người cho rằng khổ và buồn là một vì đều là buồn khổ. Nhưng tôi cho rằng buồn và khổ là 2 phạm trù khác nhau, khổ thuộc phạm trù vật chất, khổ là bị hành về thể xác , còn buồn thuộc phạm trù ý thức, ý niệm, buồn  bị hành về tinh thần
Buồn cũng có dăm bảy đường buồn.
Buồn vì đất nước còn nghèo, buồn vì còn tham ô, cửa quyền… .Buồn  cho thời thế, thế thời…thời phải thế
Buồn cho đạo đức xã hội bị đảo lộn: cha con anh em chém giết nhau, trò trả thù thầy, thầy gạ tình trò, vợ cắt của …quý của chồng. Buồn cho nhân tình thế thái
Thậm trí có cả những nỗi buồn vu vơ : Hôm nay trời nhẹ lên cao. Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn-Xuân Diệu”
….Đấy là chuyện thiên hạ.
   Còn bản thân mỗi con người sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay là có  vô vàn nỗi buồn…Chỉ lấy một vài ví dụ thôi: Vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm mà vợ đâu có hiểu. Muốn vui vẻ với bạn bè khuya khuya một chút thì vợ lại cằn nhằn: anh đi với bạn nên quên hết vợ con (nào có quên , vẫn về đấy thôi, chứ đâu có về nhà hàng xóm). Muốn câu trò câu chuyện với các em một tí cho đời thêm xanh thì vợ lại dỗi: ngồi với mấy “đứa mắt xanh mỏ đỏ”( đấy là nói quá chứ người ta chỉ đánh chút son phấn ) là chẳng nhớ gì đến vợ ( sao lại không nhớ cơ chứ, lúc đấy mới là lúc nhớ…ko những nhớ mà còn …tiếc).Buồn chưa? Nhưng nếu vợ không quan tâm, thì cũng lại buồn, hay là vợ ko yêu mình nữa. Chắc có thằng nào hơn mình đang tán tỉnh đây, mà mình thì vốn đã kém cỏi trong khi thiên hạ toàn thằng đẹp giai, tài giỏi. Nghĩ mà buồn
Đến cơ quan, bị Sếp mắng , mình lại phải trăn trở…rồi thấy buồn
Nghe có đứa nói xấu mình, cả đêm không ngủ…vì buồn ko hiểu sao nó lại xấu bụng thế.
Bạn bè, có người trách mình…lại buồn vì nghĩ bạn ko hiểu mình
…….
Tóm lại: Nghĩ nhiều…buồn nhiều. Vì thế: nghĩ ít thôi

Thật - Giả lẫn lộn
     Ngày nay khi mà công nghệ ngày càng cao, kỹ  xảo con người đạt đến trình độ của môn nghệ thật thứ 8 thì những thứ giả càng khó phân biệt. Chỉ khi nào người ta dùng rồi thì mới biết là giả. Mà đã dùng rồi thỉ chỉ còn nước dùng…tiếp , bởi bỏ đi thì tiếc. Khổ cái là bây giờ cái gì cũng có thể giả được. Chuyện hàng hóa, thực phẩm giả là chuyện…”phình phường phôi”. Bây giờ là người giả, tình cảm giả….
Câu chuyện thứ nhất: Có cậu em đồng nghiệp, mới hôm trước đến cơ quan, mặt phờ phạc. Hỏi tại sao?  Mẹ kiếp! Hôm qua em bị lừa anh ạ. Sao lại bị lừa,mà ai lừa. Giọng cậu ta buồn buồn: Đêm qua, gặp bạn cũ em nhậu hơi  xỉn , trên đường về nhà gặp em xinh quá, xinh thật anh ạ mời gọi “zui zẻ”, em ko làm chủ được theo cô ta về phòng trọ. Đang lúc hưng phấn, em sờ thấy nó cũng có cái …giống mình. Hoảng quá em vơ vội quần áo phóng xe về nhà, mới thấy mất cả ví tiền. Cả đêm vừa sợ,vừa bực. Mà nhìn ngoài đâu phát hiện được, em cá là nếu anh gặp là anh cũng mê nữa là em.. Giận quá,mắng nó: Cậu đúng là cái đồ dại….mà dại gì nhỉ,ko lẽ là dại trai?    
Câu chuyện thứ hai: Một ông Sếp  vỗ vai một cậu nhân viên: Cậu chịu khó thương con gái tớ, tớ sẽ thương cậu như cậu thương… con gái tớ. Con bé chỉ có chút tật nhỏ thôi,chân đi chấm phảy, mắt nhìn rau gắp thịt,miệng lúc nào cũng cười, đám cưới cười mà đám ma cũng cười. Nhưng được cái nó là… con tớ.
Cậu nhân viên chậc lưỡi, thôi thế cũng được, mình yêu giả nhưng lại được …thật.
Hai câu chuyện trên thật 100%
Còn vô khối chuyện giả mà thật, rồi thật mà giả. Đấy mấy vị chỉ có bằng giả nhưng lên chức như..thật.Rồi có người ăn thật làm giả. Còn hàng ngày ta gặp đầy sự quan tâm, đầy lời nói ngọt ngào: anh ko thương chú thì thương ai…quan tâm như thật,nói như thật, giả dối hết. Tốt nhất ko nên tin bố con thằng nào.
Đem chuyện giả mà nói với mấy ông bác sĩ thì cứ như “nước đổ là khoai”. Thể nào mấy ông cũng lên giọng: Các chú cứ lắm chuyện, giả thì sao. Chúng tớ vẫn dùng hàng giả đấy thôi: nào chân giả, tay giả,mắt giả….
Thì đấy là….Mệt quá,  ko cãi với mấy  cha nữa.
Có hôm mấy anh em đến nhà một anh bạn chơi,trong khi chờ nhậu nhìn bình hoa rồi tranh cãi,người thì bảo hoa thật, người lại nói hoa giả, ko ai chịu thua. Cuối cùng hỏi chủ nhà, nhưng cũng chỉ nhận được cái mỉm cười: đã ko phân biệt được thì thật hay giả khác gì nhau.
Ừ. Đúng là ko phân biệt được thì có khác gì nhau, giống như miếng thịt bò và miếng thịt trâu thôi.
Thật - Giả lẫn lộn. Chấp nhận sống vói lũ

Khôn-Dại mù mờ
      Nhớ câu “Ai lên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Đó là là sự khôn dại theo lộ trình, là có dại rồi sẽ nên khôn. Nhưng đấy là chuyện xưa, còn bây giờ Khôn-Dại lại nhiều chuyện cười ra nướcmắt. Ở đời biết ai khôn ai dại. Đấy! Có đứa luôn bị thiên hạ mắng là dại vì ko biết mở miệng, nhưng biết đâu nó lại là thằng “ngậm miệng ăn tiền”.Thế mới là khôn.Có thằng nói thì khôn như ranh, nhưng lại toàn bị người ta xỏ mũi…dại chưa
    Có đứa mang tiếng dại nhưng lại thăng quan tiến chức ầm ầm (Khôn thật)
      kẻ mang tiếng khôn nhưng lại bị “đì” ( Dại chưa, can tội khôn hơn Sếp)
    Đứa dại lại được nhiều người thương (Ai cũng tỏ ra là mình cao thượng, biết nâng đỡ người kém cỏi)
    Đứa khôn lại bị người ta ghét ( Chẳng ai thích những đứa hơn mình)
Thế mới lạ. Mà lạ mới thích…

Hạnh phúc mong manh
       Có rất nhiều quan niệm về hạnh phúc..Hình như họ sinh ra khái niệm đó để an ủi những sinh linh bé nhỏ trên cuộcđời này. Biết bao nhiêu người cả đời đã đi tìm cái gọi là hạnh phúc mà có được đâu.
Sự thực thì hạnh phúc rất mong manh tựa như bong bóng đầy màu sắc, đẹp…nhưng dễ tan.Này nhé:
Muời năm sống hạnh phúc bên vợ, tưởng như đến đầu bạc răng long. Nhưng một hôm, vợ vô tình bắt gặp trong máy của chồng một  tin nhắn (quên chưa kịp xóa) . Tin nhắn trách móc yêu thương ( có thể là đùa).Thế là khó  giải thích ( Khổ thế, tình ngay lý gian).Hạnh phúc lại mong manh dễ vỡ
Ba năm theo hầu Sếp,nghĩ rằng Sếp tin tưởng, thấy hạnh phúc. Nhưng đâu ngờ, chỉ một sơ xuất, xảy ra sự cố nhỏ ( chẳng thấm tháp gì so với công lao mình làm cho Sếp).Thế nhưng lại bị kẻ xấu dèm pha làm Sếp quay lưng lại…Vỡ mộng, hạnh phúc tan biến
Đồng nghiệp thân thiết chén chú chén anh ( Anh em mình là một, sướng khổ sống chết có nhau). Hạnh phúc chưa (đi làm mà có người tâm giao thì còn gì bằng)Ấy là nói thế, chứ khi có quyền lợi  (một trong …hai) , đúng là tạo hóa trêu ngươi, thì anh đi đường anh, chú đi đường chú…hạnh phúc lại chia ngả đôi đường.
      Ôi! Hạnh phúc thật phù du

Công bằng chốn trần gian?
     Thực ra chuyện sướng khổ, vui buồn, khôn dại,thật giả ,hạnh phúc hay bất hạnh…cũng là lẽ thường tình ở đời. Bởi lẽ con người cũng chỉ là sản phẩm, một sản phẩm đặc biệt của tạo hóa.Mà đã là sản phẩm thì phải có cái hay cái dở, cái tốt cái xấu, cái thật cái giả…. Vấn đề ở chỗ là sự phân chia của tạo hóa ko đều, “người ăn ko hết người lần ko ra”,rồi “ kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”….Mà nào có xứng đáng gì cho cam, nhiều kẻ chả có tài cán đức độ gì nhưng chịu khó luồn cúi rồi xúc xiểm ton hót thế là lên chức lên quyền, bổng lộc đầy nhà, có đứa thì lừa thầy phản bạn nhưng lại cứ phơn phởn ra. Trong khi đó….Nghĩ mà thấy bất công, đem chuyện kể cho anh bạn đồng nghiệp. Anh ta cười khẩy: làm gì có công bằng ở trên đời này. Nếu muốn công bằng đi mà hỏi ông Giời. Lại thế, đã ko chia sẻ lại còn thách . Đã thế, khăn gói quả mướp lên hỏi ông Giời cho ra nhẽ. Được cái ông Giời cũng vui vẻ (ko quan cách như mấy vị quan dưới trần gian). Nghe thần dân giãi bày mới cười khà khà:
“Thì ta đã cho loài người các ngươi 2 sự công bằng đấy thôi: không khí và sự sung sướng.”
Ừ nhỉ! Đúng là ai cũng được hít khí trời mà có phân biệt sang hèn đâu, công bằng, công bằng thật! Thế còn sự sung sướng ?,ngập ngừng hỏi lại. Đến nước này thì Ông cau mày, chắc là thấy kẻ dưới trần ngu lâu dốt bền: Thế ta hỏi ngươi, cái anh Chí Phèo là hạng người nào, có phải là hạng bần cùng, dưới đáy của đáy xã hội ko? Thế mà khi ngủ cùng với con Nở xấu ko ai xấu bằng ở cái lò gạch thì có kém sướng hơn mấy đứa ở khách sạn 5 sao hay 10 sao ko?
À…ra thế, giời ạ. Giời ơi…là Giời ,đúng là Giời
Tuy vậy, vẫn cứ thấy dấm dứt … 
Đành phải nhờ Bao Thanh Thiên đòi lại công bằng,không biết có đòi được không, chỉ thấy:
“Chuyện hôm qua như nước chảy về đông
Mãi xa ta không sao giữ được
Hôm nay lại có bao chuyện ưu phiền làm rối cả lòng ta
Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm…”

Âu cũng là  chuyện lẩn thẩn cuối năm…
LQS.
Kỳ sau: Niềm tin và Những mảnh đời vỡ

6 nhận xét:

ĐNN nói...

Có nghĩa là tạo hóa không có ISO, giời thì đại khái, còn chúng ta chỉ là những nhân vật.

Thế cho nên tất bật đến bây giờ. Hehe.

Nguyễn Thị Hoa nói...

Thầy biết nhiều, cũng nghĩ được nhiều quá, mà cái gì cũng phải thầy ạ!

Thầy xuất bản nốt "Niềm tin và Những mảnh đời vỡ" đi.

Năm cũ thì "ăn" món buồn khổ, thật giả, mong manh. Sang năm mới thầy cho món gì nó mơi mới, sương sướng hơn nha thầy!

Ngôi nhà chung 12A nói...

Giờ mới rảnh chút để vào ngó bài của ông đây dù hứa từ sáng. Bài viết có sự chuẩn bị khá công phu và hay nhưng này, đúng là hơi "lẩn thẩn" đấy bởi ô tham, ô đề cập nhiều thứ quá trên một bài viết!
Đùa thế thôi, thời điểm này ai cũng bận cả, hẹn Sinh khi khác nhất định sẽ có bài viết bàn về mấy vấn đề này cùng ông, để xem thế nào là không công bằng, thế nào là hạnh phúc? (hai cái thôi nhé, ko nên nhiều quá)
Hienmax

t.thienke nói...

Đúng là sự đời có lắm cái để ngẫm. Những phạm trù, hay những khái niệm trên đều to tát cả.Có nhiều những Tôn giáo lớn, những Triết học lớn đều đã dày công nghiên cứu, và tất nhiên, những kết luận hoặc ngay cả những quan niệm hay định nghĩa về một vấn đề nào đó cũng sẽ khác nhau.
Bài viết của ông thật công phu, tư liệu thực tế xem ra khá dồi dào, có tính dẫn dắt câu chuyện cao và đặc biệt có chất giọng hóm hỉnh. Nhưng suy từ những "kết luận" của ông thì tôi thấy bài này thuộc dạng PHIẾM LUẬN chứ không phải CHÍNH LUẬN!
(Đọc đoạn cuối, lại nhớ đến khẩu hiệu đảng và NN ta chăng treo khắp nơi: " Dân giàu, nước mạnh, xã hội Dân chủ CÔNG BẰNG văn minh".(Gần đây có sự thay đổi về trật tự từ: Đưa từ "Dân chủ" đứng trước từ " Công bằng".)

Ngôi nhà chung 12A nói...

Bài viết hay, công phu.
Sinh ơi, đúng là bạn đã Ngẫm - Nghĩ- Biết nhiều quá, vì thế "hôm nay lại có bao chuyện ưu phiền làm rối cả lòng ta".
Xin cùng bạn "Nâng chén tiêu sầu", với mong ước "Tiêu sầu" nhé.
Đăng tiếp kỳ sau đi.
Trà

Hải Yến nói...

bài này đọc hay

Đăng nhận xét

lop12ahaihauk30.blogspot.com