Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

ĐÔI DÉP

LT:             Có những đồ vật rất bình thường tưởng như vô tri vô giác trong đời sống hàng ngày nhưng khi ta "thổi hồn" vào nó, chúng lại nói lên được rất nhiều điều. Tôi cảm nhận được điều đó qua bài thơ " đôi dép" của nhà thơ Nguyễn Trung Kiên, 1 bài thơ rất nổi tiếng chắc nhiều người cũng đã biết. Thực sự tôi rất thích bài thơ này bởi nó làm cho tôi suy nghĩ về 1 điều gì đó trong cuộc sống...
              Xin chia sẻ với bạn bè 1 bài thơ hay và rất mong muốn các bạn cùng tôi cảm nhận về nó.

Đôi dép

Bài thơ đầu tiên anh viết tặng em
Là bài thơ anh kể về đôi dép

Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ

Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ
Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước
Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược
Lên thảm nhung, xuống cát bụi cùng nhau



Cùng bước, cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức người đời chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia

Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi
Mọi thay thế đều trở thành khập khiễng
Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết
Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu

Cũng như mình trong những lúc vắng nhau
Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía
Dẫu bên cạnh đã có người thay thế
Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh

Đôi dép vô tri khăng khít song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi

Không thể thiếu nhau trên bước đường đời
Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải trái
Nhưng tôi yêu em ở những điều ngược lại
Gắn bó nhau vì một lối đi chung

Hai mảnh đời thầm lặng bước song song
Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc
Chỉ còn một là không còn gì hết
Nếu không tìm được chiếc thứ hai kia ...

Tác giả: Nguyễn Trung Kiên

12 nhận xét:

Ngôi nhà chung 12A nói...

Nói đến đôi dép, tôi lại nhớ lại kỷ niệm thời sinh viên năm thứ nhất - thời đó giày còn rất xa xỉ, hôm đó là ngày 20/11, tất cả các bạn lớp mình đến phòng KTX SV trường P chơi trong đó có Chủ tịch, khi ra về không hiểu thế nào đôi dép tổ ong mới cứng của Chủ tịch không cánh mà bay trước. Liên tưởng một chút thì việc này cũng tương tự như việc đôi giày mới của chủ tịch cũng bay mất ngoài biển khơi vào ngày hội khoá! Thế đấy giày hay dép đi và ở đều có đôi! - bài học kinh nghiệm : đi đâu nhớ để giày hoặc dép mỗi chỗ một chiếc sẽ không bị mất!

Bài thơ Đôi dép tôi đã đọc và cũng rất thích,  nhưng quả thực qua mỗi thời kỳ, qua mỗi trải nghiệm, cảm nhận về bài thơ một khác.

Ở thời điểm hiện tại đọc xong bài thơ tôi liên tưởng đến việc nếu thiếu 1 trong các bạn trong đội bóng 12a thì kết quả cũng không như mong muốn, không có cầu thủ lững thững nhất trên sân thì cũng không có giải cầu thủ xuất sắc nhất...

Không có các bạn bè mình vào blogs đọc chắc cũng không có bài đăng mới...

Trong công việc nếu không có nhân viên giỏi thì cũng khó có nhà lãnh đạo tài ba, hoặc ngược lại ...

Trong Ngôi nhà chung - nếu từng ngôi nhà riêng không ấm áp thì NNC cũng khó đỏ lửa!

Mọi việc đều Đi Đôi với nhau rất ăn khớp...

Nói vậy xong thời bây giờ tôi cũng lại vẫn thấy dép guốc tuy một đôi nhưng mỗi cái vẫn một màu riêng (một cái màu đỏ, một cái màu xanh...)

Vài cảm nhận của tôi khi đọc bài thơ sưu tầm của Trung chia sẻ cùng bạn bè.

Chúc các bạn ngày nghỉ cuối tuần vui vẻ hạnh phúc!

ltmp

Ngôi nhà chung 12A nói...

Bài thơ "Đôi dép" của NTK nói về tình cảm vợ chồng, hoặc tình cảm đôi lứa keo sơn gắn bó, sắt son thủy chung. Tác giả NTK đã rất khéo mượn hình ảnh đôi dép để diễn tả điều đó.
Thế còn DQT lại mượn bài thơ như một thông điệp gửi đến bạn bè "mỗi ngôi nhà riêng phải thật sự ấm áp, phải thực sự hạnh phúc..." (không biết có phải nịnh vợ ko???).
Để cảm nhận bài thơ cùng DQT là điều không phải dễ dàng (có thể ý tưởng của lớp trưởng nhớn quá).Xin mạo muội cảm nhận cùng DQT một số suy nghĩ:
-Đúng là trong cuộc sống cần phải có đôi có cặp, dường như nó là một phần của tạo hóa(cũng như trứng vịt lộn phải có rau răm chứ không thể là thì là, hay thịt gà ko thể thiếu lá chanh...). Và đương nhiên sẽ không thể thiếu 1 trong 2.
-Vợ chồng cũng có thể nói là duyên phận, là tạo hóa(tu trăm năm mới nên vợ nên chồng).Điều đó cũng có nghĩa là không có sự thay thế.
-Tuy nhiên tạo hóa không phải lúc nào cũng mặc định. Khi có sự can thiệp của con người thì sự sắp xếp của tạo hóa đôi khi có sự nhầm lẫn.Vì thế sự thay thế có khi lại là cần thiết.
Mặc dù giữa thơ và cuộc sống không phải lúc nào cũng là một. Nhưng thông điệp mà DQT gửi tới bạn bè thật đáng quí. Vì thế nếu có những phút giây xao nhãng thì cũng chỉ "xao" thôi chứ đừng có "nhãng".
Chút cảm nhận cùng DQT.
LQS.

t.thienke nói...

Lâu mới được đọc lại bài thơ Đôi dép của NTK. Hồi tình yêu son trẻ mấy ai mà không biết đến bài này, thậm chí có nhiều người còn thuộc.
Ông Trung nói ổng cũng rất thích bài này, "nhưng điều gì đó trong cuộc sống" mà cái vật vô tri vô giác kia làm ổng suy nghĩ và tâm đắc thì chưa hề được bật mí.
Khi đã đăng bài "Đôi dép" trên Blog, hẳn là ông Trung cũng muốn gửi gắm những thông điệp chung với những ý thơ rất hay của chính Bài thơ đó đến mọi người. Nhưng hình như ông ý muốn một ai đó đọc một cách đặc biệt thì phải.Hãy chờ xem...

t.thienke nói...

@Phượng: Tâm đắc với bài học "kinh nghiệm" của P: Đi đâu cứ để mỗi chỗ một cái.
@Sinh : "Xao" với nhiều người,và đừng "nhãng" với 1 người.Okethankiu!

Ngôi nhà màu xanh nói...

Ông Trung ơi, có bao giờ ông bị mất dép nhưng chỉ một chiếc không? Tôi hay bị mất chiếc chân trái, cũng có lúc không tìm thấy nhưng có lúc tìm thấy thì không thể lấy lại được. Mà rõ ràng nó là của mình. Thế mới đau xót chứ, thế cũng đành phải đành chấp nhận vậy. Vì có người khác nhận mất rồi.

DXKhu nói...

@Kế, Phượng: Bài học kinh nghiệm đấy chỉ đúng thời ngày ấy thôi. Bây giờ, những người lấy trộm dép không lấy cả đôi đâu nên có để mỗi chiếc một nơi cũng dễ mất như thường.

Vừa rồi, tớ có đi ăn uống ngoài quán, thấy mấy cô, cậu trẻ người kết hợp các loại dép, guốc, dày dép lại... cứ thành đôi là đi được.

Nó cũng giống anh em chúng ta, khi nhậu lâng lâng rồi(nếu có đi WC)thì cứ nhặt tạm 2 chiếc dép là đi được mà.

Ng.Nhung nói...

Phải công nhận bài thơ ô Trung sưu tầm hay thật và quá sâu sắc!
Tình cảm đôi lứa mà tg mượn hình tượng "đôi dép" để thể hiện trong bài thơ quá tuyệt vời, thứ t.c không thể thay thế và là duy nhất!
Bài thơ mang lại sự ảnh hưởng và sức lan tỏa rất lớn và Trung cũng rất thành công khi truyền tải được thông điệp muốn nhắn nhủ-dặn dò "cánh mình" mà trước tiên là được 2 nhà phê bình S, K gật gù-tán đồng về định nghĩa của từ "xao nhãng"!Toàn là các tư tưởng lớn gặp nhau!

t.thienke nói...

Chờ mãi chẳng thấy ông Trung giả nhời gì cả. Hay là ông đang thai nghén bài" Đôi giày"?

Ngôi nhà chung 12A nói...

                 Thời trẻ tôi đã biết bài thơ này. Tuy nhiên, ngày đó tôi chưa cảm nhận được hết cái hay của nó. Có lẽ, xuất phát từ suy nghĩ  "mọi sự so sánh đều khập khiễng", hơn nữa một phần chưa hiểu gì  về thơ ca "đàn gảy tai trâu". 

                 Đến nay, cũng như các bạn trải qua những thăng trầm của cuộc sống. Có dịp đọc lại  bài thơ mới hiểu tại sao" Đôi dép" sống và tồn tại với thời gian như vậy.

                  Bài thơ  nói về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng xuất phát từ những điều bình dị trong cuộc sống,... ( Nghệ thuật không ở đâu xa, mọi sự vật hiện tượng tưởng như vô tri vô giác nhưng khi ta có cảm xúc  và " thổi hồn" vào nó, ta đã có được những tác phẩm nghệ thuật.          Ví như "Thư ngỏ", "Nơi ấy"..."Một mình", "Dại khờ nhân đôi".

               Trong cuộc sống mọi thứ đều có sự thay đổi: Suy nghĩ, tình cảm,... Tuy nhiên, có những thứ không thể  có sự thay đổi,  cái  vốn dĩ đã thuộc về nó:  gia đình, bạn bè,...

               Chúc các bạn có ngày nghỉ thật vui vẻ!
                DQT

Ngôi nhà chung 12A nói...

@NNMX: Cám ơn bạn đã tham gia diễn đàn của NNC.
Mong bạn tiếp tục chia sẻ những quan điểm, suy nghĩ ở những diễn đàn tiếp theo.
Chúc bạn cùng gia đình có những ngày nghỉ thật vui vẻ!
Trân trọng!
DQT.

Ngôi nhà chung 12A nói...

"Khi nỗi nhớ trong lòng da diết
Những vật tầm thường cũng viết thành thơ"
Mình chợt hiểu ra tại sao 12A lại nhiều thơ đến vậy.
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của Kế đấy, chắc hẳn lớp trưởng đang có "sóng ngầm" Kế nhỉ.
Trà

Ngôi nhà chung 12A nói...

@Trà: Đối với các nhà thơ "trong lòng da diết" viết thành thơ, còn với anh em 12A chúng mình thì "viết thành thơ" mới thấy lòng da diết.
@DQT: Có câu của ông đã thành thơ rồi đấy (ý tứ không khác bài "Đôi dép" đâu):
Thư ngỏ nơi ấy...
Để một mình
... dại khờ nhân đôi.
@MXH: Lâu rồi không thấy Chủ tịch lên diễn đàn, thấy thiêu thiếu một cái gì đó. Mới thấy giá trị của cái "không thể thay thế".
LQS.

Đăng nhận xét

lop12ahaihauk30.blogspot.com