Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

Trăng nghẹn

Cứ mỗi dịp Trung thu về, mình lại nhớ đến câu thơ của Hồ Chủ tịch:
"Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng"
                                                    (HCM- 1951)
Tài tình thật! Không biết con trẻ bây giờ có được học bài thơ này không, chứ hồi còn bé khi nghe đọc hai câu này thôi, thì mình cứ ngỡ Bác như đang còn sống! Mãi đến khi trông trăng phá cỗ xong xuôi, kết thúc bằng bài "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" mới biết  Bác đi đã lâu, sau "tìm hiểu" ra biết thêm : Trước khi mình được sinh ra 5 năm, Bác đã đi rồi.

Mai đã là chính Rằm. Mình biết bây giờ không còn "Bác ngồi ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng" nữa. Nhưng dù sao thì vẫn còn Trăng. Cầu mong Trăng sáng để trẻ em khắp nước được vui vẻ bày cỗ trông trăng. Cầu thì cầu vậy, nhưng thấy mấy hôm trời mưa to quá trời luôn, nhất là ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, lòng thấy lo lo. Bỗng dưng... muốn khóc, vì nhớ đã có lần đọc bài thơ 'Trăng nghẹn", có nhớ mang máng câu kết: "Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê".
Vào tra gút gồ, thấy và xin phép được pót lên đây:

TRĂNG NGHẸN

Mẹ sinh tôi vào một đêm rằm mưa gió ngày xưa,
Lúc chào đời đã lỡ hẹn cùng vầng trăng viên mãn.
Vùng tản cư hồi nầy ruộng hoang nhà trống,
Rước được bà mụ vườn, ngoại cực trần thân.

Tôi lớn trong quê mùa như cây tạp vườn hoang,
Bảy tuổi biết leo lưng trâu, không từng ngồi xe đạp.
Không biết lời bải buôi để mua lòng người khác,
Nên thua thiệt cả đời vì không thể dối lừa ai.
Ngơ ngác buổi ra thành, trước cuộc sống đua chen,
Mười năm sau chưa gội rửa cho mình thành dân chợ.
Lớp phèn hết bám chân, nhưng chất chân quê vẫn còn đó,
Tôi tranh thủ những tháng hè, thích về lại thăm quê.
Bè bạn theo đuôi trâu một thời, mơ ước nhìn tôi,
Tưởng tôi thoát kiếp ngài, nhởn nhơ hóa bướm.
Tôi nhìn vẻ hồn nhiên của đám bạn xưa thèm quá,
Cộng một chút phù hoa đâu thêm lớn tâm hồn.
Mỗi lần về quê bè bạn cũ lại vắng hơn,
Gái mười bảy đã lấy chồng, trai hai mươi đòi vợ.
Cô bạn xưa nách con ngang nhà mua chịu rượu,
Đôi mắt ướt một thời bẽn lẽn ngó bàn chân.
Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,
Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.
Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,
Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi.
Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa.
Chập tối buồn ra nhìn bến nước cô đơn,
Vầng trăng vừa lên đã bị mây mưa vần vũ.
Tôi chợt nhớ lần lỗi hẹn đầu đời, trăng cũ,
Vầng trăng nghẹn hoài, chưa tỏa sáng một vùng quê. 
Hoài Tường Phong

3 nhận xét:

Ngôi nhà chung 12A nói...

TRĂNG NGHẸN là bài thơ của Hoài Tường Phong vừa đoạt giải Nhất cuộc thi thơ đồng bằng sông Cửu Long do các Hội Văn học - Nghệ thuật trong khu vực nầy liên kết tổ chức, tỉnh Cần Thơ đăng cai. Nhưng một sự cố lạ lùng chưa từng có đã xảy ra: Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, trưởng Ban Giám khảo cho hay, một số cơ quan "có thẩm quyền" ở thành phố Cần Thơ (thực chất là không có thẩm quyền) đã yêu cầu Ban Giám khảo chọn lại bài khác để trao giải Nhất, vì bài nầy u ám quá. "Trăng thì phải sáng, thậm chí rất trong sáng chớ không thể nào nghẹn được". Ban Giám khảo đã quyết định không chấm lại, cuối cùng họ quay sang tác giả. Nhà thơ Hoài Tường Phong cho biết, mấy ngày nay chủ tịch Hội Văn nghệ Cần Thơ yêu cầu ông làm đơn từ chối giải thưởng với lý do "tôi không có gởi dự thi". Ông khẳn định rằng "tôi đã gởi dự thi", sau đó vị chủ tịch Hội Văn nghệ lại yêu cầu ông làm đơn xin từ chối giải thưởng với lý do "Thơ tôi có nhiều câu chữ không phù hợp với tiêu chí cuộc thi". Ông Phong nói "Đó là việc thẩm định của Ban Giám khảo".
Xin miễn bình luận về sự kiện nầy. Mời các bạn đọc bài thơ TRĂNG NGHẸN đã được công bố giải Nhất vừa qua.
Theo:http://dacdanhmientay.multiply.com/journal/item/177/177%203/7/2010

t.thienke

Ngôi nhà chung 12A nói...

Vì chưa hiểu hết ý của TTK, nên đọc lời tựa đề của K và bài thơ "Trăng nghẹn" của HTP mình cũng thấy "nghẹn" luôn.
Phải nói đây là bài thơ hay. Nếu ai đã về miền Tây sẽ cảm nhận được cái buồn mênh mang của vùng sông nước. Bài thơ đã lột tả rất thật mặt trái cuộc sống của người dân đồng bằng sông nước Cửu Long. "cô bạn xưa nách con ngang nhà mua rượu chịu" hay "xóm bên sông nhiều cô gái rời quê"...Và cả khi: sản lượng lúa nhiều,vùng cá ba sa lớn nhất nhưng văn hóa thấp, nghèo, con gái lấy chồng xa xứ để rồi "chập tối buồn nhìn ra bến nước cô đơn".
Một mặt của cuộc sống đầy xót xa.
Vì rất thật nên các nhà chức trách không dám thừa nhận.
Vì rất thật nên nó vẫn tồn tại.
@Kế: Xã hội luôn tồn tại nhiều mặt và cũng vì tồn tại nhiều mặt nên mới tạo thành xã hội.
LQS.

t.thienke nói...

Cảm ơn thầy đã chia sẻ.

Đăng nhận xét

lop12ahaihauk30.blogspot.com